Đông Nam Á – chiến trường mới của các đại gia Internet Trung Quốc

Posted on Posted in Tin đầu tư, Tin kinh doanh, Tin tức

Những công ty như Alibaba, Tencent hay Didi Chuxing đều đang nhắm đến Đông Nam Á – thị trường gồm nhiều quốc gia tăng trưởng nhanh với dân số gần gấp đôi Mỹ.

Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các hãng công nghệ hàng đầu nước này đã tìm cách chi bộn tiền cho việc mở rộng sang Đông Nam Á – thị trường với 620 triệu dân. Khu vực này đang ngày càng trở thành cỗ máy tăng trưởng quan trọng với Alibaba, Tencent, Didi Chuxing và JD.com, khi các hãng này mở rộng thanh toán di động và thương mại điện tử.

Alibaba và Tencent dẫn đầu các thương vụ tại khu vực này, với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD. Hai công ty này đang muốn cải thiện thương mại điện tử, logistics và tận dụng kinh doanh trên mạng xã hội. Đông Nam Á hiện là thị trường lớn thứ 3 cho các thương vụ M&A công nghệ của Trung Quốc năm nay, sau châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo hãng nghiên cứu Dealogic, từ đầu năm, tổng giá trị các thương vụ của doanh nghiệp Trung Quốc tại đây là 1,9 tỷ USD, gấp nhiều lần so với chỉ 193 triệu USD năm ngoái. Giới lãnh đạo công nghệ Trung Quốc cho biết đầu tư của nước này vào Đông Nam Á sẽ còn tăng.

dong-nam-a-chien-truong-moi-cua-cac-dai-gia-internet-trung-quoc

Nhân viên tại một kho hàng của Lazada ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: Reuters

“Những gì chúng tôi đã học được tại Trung Quốc có thể ứng dụng nhanh nhất vào Đông Nam Á”, Poshu Yeung – Phó chủ tịch mảng kinh doanh quốc tế tại Tencent cho biết trong một buổi phỏng vấn, “Mọi thứ ở Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, đều đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt”.

Nền kinh tế quy mô 2.500 tỷ USD tại Đông Nam Á rất hấp dẫn, do thu nhập của người dân đang tăng và tỷ lệ phổ cập smartphone lớn. Hãng nghiên cứu eMarketer dự báo số người sử dụng smartphone tại 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ vượt 257 triệu người năm 2020 – cao hơn số người dùng dự báo tại Mỹ năm đó.

Thương vụ Alibaba chi 1 tỷ USD mua Lazada hồi tháng 4 đã giúp Alibaba ngay lập tức tiếp cận 6 thị trường: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, Lazada còn giúp Alibaba có hệ thống logistics rộng lớn, để vận chuyển các đơn hàng của khách Đông Nam Á trên các nền tảng của Alibaba.

Lazada đã cải thiện được công nghệ và hoạt động logistics của mình sau khi gửi ít nhất 100 nhân viên đến trụ sở của Alibaba để đào tạo, CEO Lazada – Maximilian Bittner cho biết. Họ cũng thu hút các thương hiệu quốc tế, như Unilever hay Mattel mở gian hàng trên website, nhờ sự giới thiệu của Alibaba.

Tencent thì đầu tư vào Garena Interactive – một hãng khởi nghiệp tại Singapore được định giá 3,75 tỷ USD. Garena đã gia nhập thị trường thương mại điện tử năm ngoái, qua một ứng dụng mua bán ngang hàng có tên Shopee. Shopee đang cạnh tranh trực tiếp với Lazada tại 6 thị trường trên.

Chủ tịch Garena – Nick Nash cho biết Shopee sắp vượt 2 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa giao dịch năm nay. Đây là số liệu rất quan trọng với các hãng thương mại điện tử. Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là các thị trường lớn nhất của họ.

JD.com là hãng thương mại điện tử lớn nhì Trung Quốc, chỉ sau Alibaba. Họ đã tham gia thị trường Indonesia năm ngoái và dự định dùng đây làm bệ phóng để tấn công toàn khu vực. “Indonesia cũng như Trung Quốc 5 năm trước vậy. Dân số lớn, thương mại điện tử chưa bão hòa và người dùng Internet ngày một tăng mạnh”, CEO Richard Liu cho biết.

Dĩ nhiên, mở rộng tại Đông Nam Á cũng đi kèm nhiều thách thức. Khu vực này có sự phân hóa khá lớn, cả về địa lý, nhu cầu khách hàng và quy định kiểm soát. Tại Indonesia, cạnh tranh rất gắt gao với nhiều đối thủ nội địa. Việc này khiến cả JD.com, Lazada và Shopee phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tung nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để giành khách hàng.

Và không phải đối thủ nước ngoài nào cũng vượt qua những thách thức đó. Hãng thương mại điện tử Nhật Bản – Rakuten đã phải đóng cửa website tại Đông Nam Á năm nay. Nhiều công ty Trung Quốc thì chịu ảnh hưởng vì căng thẳng chính trị và tâm lý ngại hàng Trung Quốc kém chất lượng.

Khi thương mại điện tử bùng nổ, Alibaba và Tencent còn cạnh tranh mở rộng mảng thanh toán điện tử – Alipay và WeChat Pay – tại Đông Nam Á. Alibaba đã đầu tư vào công ty tài chính trực tuyến Thái Lan – Ascend Money. Tencent cũng đang muốn mở rộng mạng lưới sang Malaysia và Indonesia.

Tại Đông Nam Á, người tiêu dùng vẫn thích thanh toán bằng tiền mặt. Và mảng thanh toán di động chưa có công ty thống trị. Vì thế, Ascend, Lazada và Garena muốn lấp đầy khoảng trống này.

Dịch vụ đi chung xe Trung Quốc – Didi thì đã nhận đầu tư của cả Alibaba, Tencent và Apple. Họ gián tiếp tham gia cuộc đua thanh toán qua khoản đầu tư vào Grab. Grab năm ngoái đã huy động được 350 triệu USD từ các nhà đầu tư, và bắt đầu làm ví di động.

 

Tin liên quan