Khởi nghiệp bằng những mô hình nhỏ, nhưng đừng để mình nhỏ mãi mà phải có khát vọng gây dựng thành những doanh nghiệp khởi nghiệp để tiếp cận nhiều cơ hội vay vốn, xác lập giá trị thương hiệu sản phẩm.
Đó là ý kiến từ các chuyên gia, doanh nhân chia sẻ tại diễn đàn “Thanh niên nông thôn khởi nghiệp”, do T.Ư Đoàn tổ chức chiều 26.11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng Lương Định Của nhằm giúp bạn trẻ tự tin khởi nghiệp.
Đừng mặc cảm
Chia sẻ con đường khởi nghiệp, anh Nguyễn Văn Bách ở xã Yên Phú, H.Hàm Yên, Tuyên Quang (có doanh thu tiền tỉ từ trồng chanh), cho rằng mỗi bạn trẻ cần có tư duy sáng tạo và mạnh dạn thử nghiệm để tìm cho mình một hướng đi thích hợp. Trước đây, từ mảnh đất khô cằn, đầy sỏi đá không thể trồng cây hay nuôi bất cứ con gì, nhưng Bách tìm cách cải tạo, đưa cây chanh về trồng thử nghiệm… Bây giờ mảnh đất ấy trở thành trang trại chanh sum suê, trĩu quả.
“Khi tôi bỏ công việc nhân viên kinh doanh về quê trồng chanh, cả gia đình phản đối kịch liệt. Bố mẹ cố gắng lo cho tôi ăn học chỉ mong thoát ly khỏi nghề nông nghèo khó, cơ cực”, Bách chia sẻ.
Trước những khó khăn, ý chí khởi nghiệp giúp Bách không chùn bước. Qua nhiều năm mày mò nghiên cứu, anh trồng thành công cây chanh tứ mùa, biến những triền đồi chỉ có cỏ cháy khô khát thành những trang trại trù phú. Không chỉ có trang trại cung cấp chanh giống, chanh hái quả cho lãi tiền tỉ, Bách nhận tư vấn, giúp đỡ nhiều hộ gia đình cùng sản xuất chanh sạch nhưng hiện giờ sản lượng không đáp ứng nhu cầu.
Đồng cảm với chia sẻ của Bách, anh Trần Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phú, tác giả của nhiều loại máy móc nông cụ quen thuộc với nông dân ở các tỉnh phía bắc, bày tỏ trở ngại lớn nhất của nhiều thanh niên xuất thân từ nông thôn đã thoát ly ra ngoài là tâm lý mặc cảm, sợ hàng xóm xung quanh đàm tiếu, dị nghị khi trở lại quê nhà khởi nghiệp là thất bại. Bản thân anh Kiều, tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đang có công ăn việc làm, thu nhập cao ở Hà Nội trước khi về quê chế tạo máy nông nghiệp cũng từng rất khó khăn để vượt qua rào cản tâm lý này.
|
Anh Kiều gợi ý, ý tưởng khởi nghiệp có thể tìm ở mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống. Công ty hiện giờ của anh được gây dựng từ lần tình cờ thấy người nông dân dùng vành xe đạp và lưỡi dao tự chế để nghiền thức ăn chăn nuôi. Anh Kiều sử dụng chính kiến thức của mình để nghiên cứu đặt hàng các cơ sở cơ khí chế tạo, đưa thành sản phẩm thương mại bán với giá 3 triệu đồng/máy, được nông dân “mua nhiệt tình” bởi nó giúp họ giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Cũng từ dòng máy này, anh Kiều phát triển thêm các dòng máy trộn, ép phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn dạng viên, thỏi, phù hợp với các hộ chăn nuôi vùng nông thôn. “Cơ hội khởi nghiệp ở nông thôn là không thiếu nên đừng mặc cảm, tự ti khi một cử nhân, kỹ sư từng thoát ly ra ngoài quay trở về quê khởi nghiệp, nếu ý tưởng của mình có thể giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập”, anh Kiều khích lệ các bạn trẻ.
Làm nhỏ nhưng phải nghĩ lớn
Chuyên gia ngành tài chính ngân hàng nhưng quyết định chuyển nghề trồng cà chua sạch, chất lượng cao với giá bán không dưới 100.000 đồng/kg, anh Trần Thái Dương, Giám đốc Công ty Sky Farm, chứng minh ngay cả khi không có kiến thức chuyên môn vẫn có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh Dương tự hào rằng dù không có chuyên môn về lĩnh vực trồng trọt nhưng đã tập hợp được đội ngũ kỹ sư làm cà chua giỏi nhất, động viên họ dành công sức và trí tuệ nghiên cứu lai tạo giống cà chua mới, giúp doanh nghiệp thành công. Dự án khởi nghiệp với cây cà chua của anh Dương từng huy động trên 1 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Anh Trần Thái Dương cho rằng khởi nghiệp trong nông nghiệp nhiều khó khăn, vất vả. Đa số thanh niên khởi nghiệp bắt đầu bằng quy mô nhỏ, tuy nhiên phải nghĩ làm sao đặt ra tầm nhìn, lộ trình phát triển trong tương lai để trở thành “người lớn”. “Phải tư duy mới thì cá nhân, mô hình của mình mới lớn mạnh được, còn giữ tư duy lập nghiệp thì mãi mãi chỉ làm nhỏ”, anh Dương đưa ra lời khuyên.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng nếu giữ mô hình ở quy mô nhỏ, nhiều thanh niên nông thôn sẽ rất khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay. Khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn phải hướng đến mục tiêu thành lập được các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển các ý tưởng thành đề án, dự án kinh doanh để tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc thuận lợi trong tiếp cận vay vốn ngân hàng.
Nhiệt tình giải đáp những vấn đề của các đại biểu đặt câu hỏi trực tiếp, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cũng nhìn nhận ở mỗi vùng quê khác nhau đều có sản phẩm đặc trưng, đặc sản. Tìm cách đổi mới, sáng tạo những đặc trưng này thành sản phẩm thương mại, quảng bá thương hiệu cho quê hương cũng là cách để bạn trẻ khởi nghiệp.