Không phải tự nhiên các chuyên gia kinh tế bình luận: ASEAN đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng đầu tư nội khối, nhằm đón bắt cơ hội đến từ triển vọng mở rộng thị trường tiêu dùng Đông Nam Á.
Ảnh minh họa |
Hãng nghiên cứu Euromonitor (Anh) ước tính, thị trường bán lẻ ASEAN sẽ mở rộng thêm khoảng 20% trong giai đoạn 2015 – 2020, lên mức 588,3 tỷ USD. Để đón đầu xu thế này, các đại gia trong ASEAN nỗ lực đẩy mạnh thâm nhập những thị trường láng giềng. Central Group (Thái Lan) mua chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam. Boon Rawd Brewery (Thái Lan), nổi tiếng với nhãn hiệu bia Singha, đã rót 1,1 tỷ USD vào mảng thực phẩm, nước giải khát của Masan Group để tiến vào thị trường Việt Nam… Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Từ tháng 5/2016, Vinamilk khởi động dây chuyền sản xuất tại Campuchia. Trung tâm mua sắm Myanmar Plaza do Hoàng Anh Gia Lai đầu tư ở Yangon đi vào hoạt động, được coi là một biểu tượng của sự bùng nổ bất động sản và bán lẻ ở Myanmar thời mở cửa…
Đó là đầu tư trong nội khối ASEAN. Nhìn rộng ra đầu tư nước ngoài vào ASEAN, không ít kinh tế gia nước ngoài nhận xét: Việt Nam đứng trong nhóm các điểm đầu tư tốt nhất. Minh chứng rõ nhất là Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư thứ ba từ Hàn Quốc sau làn sóng thứ nhất những năm 1990 và thứ hai những năm 2000.
Hàn Quốc hiện đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số 112 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 5.590 dự án, khoảng 50 tỷ USD. Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố của Việt Nam, lớn nhất là Bắc Ninh (6,2 tỷ USD), Hà Nội (5,8 tỷ USD), Đồng Nai (5,5 tỷ USD), Hải Phòng (5,4 tỷ USD), Thái Nguyên (5 tỷ USD).
Đáng chú ý, khác với những năm trước đổ tiền đầu tư vào các ngành sản xuất (điện tử, may mặc…) để xuất khẩu, ngày nay, doanh nghiệp Hàn Quốc đã thay đổi tâm thức khi thâm nhập thị trường Việt Nam: Đầu tư nhằm phục vụ chính thị trường Việt Nam với dân số đông, trẻ, thu nhập ngày càng cao. Tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc đều có các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Có nhiều lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi quyết định đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam, như: Tình hình chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, cơ sở hạ tầng tốt, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang hướng tới…
Và, chủ động đón những làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chính là một phần việc quan trọng của Chính phủ kiến tạo.
Theo vfpress.com