Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhưng không chào đón nhà đầu tư chuyển giá, trốn trách nhiệm
Ngày 5-12, tại Hà Nội, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thường niên 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”.
Cần một sân chơi công bằng
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết 2016 là năm mà số lượng DN thành lập mới đạt mốc kỷ lục, vượt con số 100.000 DN mới thành lập. Chính phủ đã có những nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh song vẫn còn khoảng cách khá lớn với các nước trong khu vực ASEAN và mong muốn của DN. Giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan nhà nước hiện vẫn là loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu.
“Các DN Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu, luôn tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp” – ông Lộc nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng lực lượng DN tư nhân Việt Nam tuy đông nhưng chưa đủ mạnh và chưa đạt chuẩn quốc tế để tham gia hội nhập hiệu quả. Tỉ lệ DN vừa và nhỏ chiếm tới 97%, thiếu các DN lớn, DN mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và khả năng để dẫn dắt cuộc chơi ngay tại thị trường trong nước cũng như tham gia cuộc chơi hội nhập. Vẫn tồn tại khoảng cách giữa các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN tư nhân trong nước; vẫn tồn tại “ranh giới” giữa 2 cộng đồng DN trong một nền kinh tế…
Chia sẻ về các thách thức lớn đối với các DN Mỹ tại Việt Nam như việc hiểu và áp dụng luật định không nhất quán, thực thi luật không thường xuyên, đồng đều, sự thiên vị và luật pháp không rõ ràng, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần bảo đảm một sân chơi bình đẳng, sòng phẳng cho các DN.
“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ ngày càng đảm nhận vai trò điều tiết và quan tâm đến thực tế rằng sự không rõ ràng trong các quy định pháp luật có thể bị lạm dụng để chọn ra kẻ thắng, người thua một cách không công bằng” – bà Virginia B.Foote nói.
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhấn mạnh việc cải thiện môi trường hành chính thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phạm vi lạm quyền sẽ nâng cao khả năng đầu tư vào Việt Nam và sẽ giúp các DN nhỏ và vừa tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cần cải thiện việc trao toàn quyền cho các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án đấu thầu công khai.
Đến bằng khối óc và trái tim
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức đối tác công – tư (PPP). Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI trong nền kinh tế quốc gia.
Thủ tướng mong muốn DN FDI đến với Việt Nam bằng khối óc – tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim – tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa DN. “Không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của diễn đàn để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan.
Theo báo Người lao động,